Một chiếc ô tô muốn hoạt động được bình thường thì cần có sự kết hợp của nhiều bộ phận với nhau để tạo thành một khối động cơ. Mỗi bộ phận của chiếc xe đều đảm nhiệm những vai trò và chức năng riêng biệt. Trong đó xupap động cơ ô tô đóng một vai trò quan trọng, bộ phận này làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình luân chuyển nhiên liệu của động cơ.
Xupap động cơ ô tô là gì?
Xupap động cơ ô tô giống như một hệ thống van đóng mở tự động theo thời gian. Nó có chức năng đưa hỗn hợp nhiên liệu vào buồng đốt của động cơ, kiểm soát thời gian và lưu lượng hỗn hợp khí cháy trong buồng đốt. Bộ phận này còn được những kỹ thuật viên gọi với tên khác là “nấm”.
Cấu tạo của xupap động cơ ô tô
Ngoài hiểu về khái niệm của xupap, chủ xe cũng cần nắm rõ kết cấu của bộ phận này. Cấu tạo bao gồm: Đầu, thân, đuôi, lò xo, phần đệm có vai trò riêng biệt.
- Đầu xupap (hay còn gọi là nấm): Kết cấu này được thiết kế khá đơn giản có hình giống cây nấm với phần đầu bằng phẳng. Chi tiết này được ứng dụng trong cả quá trình nạp – xả của xupap.
- Thân xupap được kết cấu bằng thép đặc có hình trụ đóng vai trò định hướng cho xupap di chuyển đảm bảo cho đế và mặt xupap khít nhau. Đồng thời bộ phận này có nhiệm vụ giữ xupap thẳng hàng và dẫn hướng cho xupap luôn chuyển động tịnh tiến trong thân xupap.
- Đuôi xupap được cấu tạo để gắn với lò xo đẩy. Phần đuôi này có rất nhiều hình dáng khác nhau tùy thuộc vào cách gắn ghép đĩa lò xo xupap.
- Lò xo trong xupap có tác dụng tạo ra các lực nén – đẩy phụ thuộc vào quá trình nén – đẩy của xi lanh.
- Phần đệm xupap được gắn trong thân máy hoặc lắp xi lanh có tác dụng bịt kín buồng đốt trong quá trình di chuyển tịnh tiến nhằm đảm bảo áp suất tốt nhất khi đốt cháy nhiên liệu. Không những thế bộ phận này còn hạn chế ăn mòn cho đầu và đuôi xupap.
Nguyên lý hoạt động của xupap động cơ ô tô
Xupap động cơ ô tô luôn hoạt động trong môi trường áp suất lớn, nhiệt độ cao. Đồng thời phải chịu va đập mạnh khi đóng và chịu sự ăn mòn hóa học khi phải tiếp xúc với khí cháy. Vì vậy nguyên liệu để thiết kế bộ phận này vô cùng đặc biệt. Thông thường sẽ được làm từ thép chrome hoặc thép niken.
Khi động cơ làm việc, trục khuỷu dẫn động trục cam quay, đồng thời trục cam sẽ tác động trực tiếp vào con đội làm con đội đẩy đi lên tác động vào cò mồi làm cò mồi quay. Lúc này xupap được nén xuống thực hiện quá trình nạp hoặc thải khí xả, đồng thời lò xo xupap sẽ bị nén lại ngắn nhất.
Khi trục cam tiếp tục quay qua các vị trí tác động, lò xo xupap giãn ra làm xupap đóng kín vào bệ đỡ, tất cả các bộ phận trở lại vị trí ban đầu, chính lúc này xupap đóng lại.
Quá trình liên tục như vậy làm cho xupap nạp – xả liên tục, tốc độ tịnh tiến của thân xupap có thể nhanh – chậm phụ thuộc vào quá trình vận hành của người lá xe.
Những sự cố về xupap động cơ và cách khắc phục
Khi xupap động cơ bị hỏng hay có vấn đề bất thường đều ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng di chuyển của xe. Vì vậy mọi người hãy thường xuyên quan tâm và bảo dưỡng xe định kỳ để giúp các chi tiết trong khối động cơ luôn được hoạt động tốt nhất.
Một số sự cố của xupap động cơ ô tô thường gặp phải sau một thời gian sử dụng như: nấm bị hỏng, thân xupap bị cong, lò xo yếu dẫn đến quá trình nén – đẩy chậm, phần đệm xupap bị mòn hoặc bị hở,…
Cách khắc phục tốt nhất khi thấy bộ phận này có vấn đề đó chính là thay mới. Nếu chưa đến mức nghiêm trọng mọi người có thể sửa chữa. Khi thấy chiếc xe của mình đang có vấn đề khác lạ. Hãy đưa xe ra gara ô tô uy tín để được kiểm tra, khắc phục kịp thời nhất.