Rô tuyn là một trong những bộ phận thiết yếu trên ô tô, đóng vai trò là khớp nối quan trọng cho các hệ thống khung gầm, hệ thống truyền động của xe. Hãy cùng Phụ tùng ô tô Hưng Phát tìm hiểu về Rô tuyn ô tô qua bài viết này nhé!
Rô tuyn ô tô là gì?
Rotuyn là bộ phận tác động gián tiếp đến việc điều hướng của người lái xe thông qua việc điều khiển vô lăng. Khi lái xe trên đường mà người điều khiển có cảm giác việc điều hướng của xe gặp khó khăn hay không làm chủ được hướng di chuyển thì khả năng cao hệ thống lái của xe đã gặp vấn đề và thông thường là rotuyn đã hư hỏng.
Các loại rô tuyn trên ô tô
Rô tuyn gồm có 3 loại: rô tuyn lái, rô tuyn thanh cân bằng và rô tuyn trụ đứng. Trong rô tuyn trụ đứng lại chia ra làm 2 loại là rô tuyn đứng trên (hay còn gọi là rô tuyn càng A trên) và rô tuyn đứng dưới. Cả 3 loại rô tuyn trên đều có nhiệm vụ chung là giúp xe chuyển hướng khi đánh lái, tuy nhiên, mỗi loại rô tuyn lại có chức năng đặc thù riêng biệt, không giống nhau.
Rotuyn lái (bao gồm rô tuyn lái trong và rô tuyn lái ngoài) là bộ phận thuộc hệ thống lái, truyền động trên xe ô tô. Một đầu của rô tuyn lái trong được gắn vào thước lái, còn đầu kia nối với rô tuyn lái ngoài. Khi thước lái hoạt động sẽ chuyển những truyền động trực tiếp vào một đầu của rô tuyn lái trong, do đầu này của rô tuyn được thiết kế để cử động một cách linh hoạt nên khi nhận được “tín hiệu” từ thước lái truyền tới thì cả bộ phận rô tuyn lái trong sẽ vận hành nhịp nhàng sao cho các “tín hiệu” này được truyền tiếp tới rô tuyn lái ngoài.
Rô tuyn lái ngoài sau khi nhận được truyền động mà rô tuyn lái trong chuyển tới sẽ biến thành các cử động điều khiển ngỗng moay ơ thông qua đầu rô tuyn còn lại gắn vào moay ơ. Cũng giống như rô tuyn lái trong, một đầu rô tuyn lái ngoài gắn vào ngỗng moay ơ có thể cử động linh hoạt và êm ái do bên ngoài có thêm một lớp cao su bảo vệ trục khớp bên trong rô tuyn. Rô tuyn lái ngoài và lái trong của xe hoạt động độc lập nhưng vẫn có sự liên kết chặt chẽ để cả hệ thống vận hành một cách trơn tru giúp bánh xe dễ dàng chuyển hướng theo ý muốn của người lái.
Các bộ phận phải được thiết kế chính xác tới từng chi tiết, chỉ cần một sai lệch nhỏ cũng khiến cả hệ thống không hoạt động được. Trong quá trình sử dụng lâu ngày, các trục khớp của rotuyn lái sẽ bị hao mòn, các cử động sẽ không còn được linh hoạt như trước. Lúc này, bạn cần đi thay rotuyn lái để đảm bảo hoạt động cho toàn hệ thống.
Rô tuyn thanh cân bằng khác với rô tuyn lái, vì nó thuộc hệ thống gầm của xe nên nhiệm vụ của rotuyn thanh cân bằng là giúp xe thăng bằng khi di chuyển hay khi đang đánh lái, khi chuyển động trên bề mặt đường gồ ghề, không bằng phẳng.
Rotuyn thanh cân bằng được ví như một cánh tay đòn liên kết ngỗng moay ơ với thanh cân bằng. Hai đầu của rotuyn cân bằng đều được thiết kế để có thể cử động linh hoạt, khi xe di chuyển thì rotuyn cũng sẽ chuyển động lên, xuống theo giúp xe luôn ổn định ở trạng thái cân bằng.
Khi lái xe trên đường, nhất là lúc điều khiển xe qua những địa hình gồ ghề mà thấy xe có những chuyển động lắc lư, không ổn định thì đó là dấu hiệu cho thấy rotuyn cân bằng của xe đã bị hư hỏng, cần được kiểm tra, bảo dưỡng và thay mới nếu cần thiết.
Rotuyn trụ đứng là bộ phận liên kết trụ lái với càng A của xe. Đúng như cái tên của nó, bộ phận này có hình dạng giống như một cái trụ, có chức năng chịu lực tác động của bánh xe lên hệ thống gầm theo phương thẳng đứng để giảm thiểu những rung động của xe khi chạy thẳng hoặc khi xe đánh lái.
Sau một khoảng thời gian sử dụng nhất định, rô tuyn trụ đứng sẽ rơ, bị hư hỏng khiến xe bị rung lắc, bên cạnh đó, những tiếng động lạ sẽ phát ra từ hệ thống gầm xe, gây khó chịu cho người điều khiển. Cách khắc phục đơn giản nhất cho vấn đề này là thay rô tuyn trụ đứng sẽ giúp xe hoạt động êm ái, vận hành trơn tru.
- Cụm cổ hút ô tô là gì ? Bảo dưỡng – vệ sinh cụm cổ hút Suzuki Swift
- Mô tơ nâng kính – Hệ thống nâng – hạ kính của xe hơi
- Cảm biến va chạm đầu xe ô tô là gì và những điều bạn cần biết
- Tìm hiểu về cấu tạo – công dụng của bạc biên balie cos 0
- Toyota Camry 2020 cùng VinFast được sử dụng làm xe Cảnh sát giao thông tại Hà Nội